Đổi mới trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
01/04/2025 09:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bệnh viện Da liễu tỉnh Nam Định nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Để từng bước tháo gỡ “điểm nghẽn” trong KCB BHYT, với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các bệnh viện công lập đã chủ động chuyển đổi cơ chế hoạt động, tích cực khai thác nguồn thu hợp pháp, đổi mới cơ chế quản lý tài chính hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân có thẻ BHYT được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công có chất lượng cao. Thực tế triển khai việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh cho thấy, thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp các bệnh viện công lập chủ động hơn trong sử dụng các nguồn tài chính, có quyền điều tiết các khoản thu, chi hiệu quả, tăng huy động vốn và chủ động mở rộng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó cải thiện thu nhập cho nhân viên, phát triển kỹ thuật mới, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tiết kiệm ngân sách Nhà nước...
Sau 2 năm thực hiện cơ chế tự chủ, Bệnh viện Mắt Nam Định đầu tư nhiều trang thiết bị công nghệ cao như: máy phẫu thuật Phaco, máy chụp OCT, máy đo thị trường, máy laser quang đông, máy laser YAG, máy siêu âm AB… Năm 2024, thực hiện nguồn thu BHYT được quy định tại Thông tư 22/2023/TT-BYT về quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT, bệnh viện đã thu trên 34 tỷ đồng từ nguồn BHYT, điều trị nội trú cho 8.835 bệnh nhân có thẻ BHYT; chi phí hơn 15 tỷ đồng mua thuốc, hoá chất, sinh phẩm, vật tư y tế tiêu hao, vật tư y tế thay thế. Năm 2025, bệnh viện tiếp tục triển khai các gói thầu mua thuốc, vật tư, hóa chất, đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, không để tình trạng bệnh nhân có thẻ BHYT phải tự mua thuốc, vật tư từ bên ngoài.
Được chọn tham gia Dự án bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Nam Định tăng cường công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu mới; tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng bệnh viện “xanh - sạch - đẹp”. Đến nay bệnh viện đã triển khai được một số dịch vụ KCB theo yêu cầu như: chiếu tia plasma lạnh điều trị vết thương, xét nghiệm G6PD; TSH, PKU, galactose, 17OH-P bằng lấy máu gót chân trẻ sơ sinh nhằm sàng lọc các bệnh lý bẩm sinh; đẩy mạnh thực hiện một số kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như: nội soi cắt tử cung bán phần, nội soi buồng tử cung, nội soi bóc u xơ tử cung... Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nam Định Nguyễn Thị Thu Vân chia sẻ: Để nâng cao chất lượng KCB cho người có thẻ BHYT, bệnh viện tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương một số kỹ thuật như: Phẫu thuật nội soi nâng cao, phẫu thuật nội soi buồng tử cung, xử trí và dự phòng các tai biến trong chuyển dạ, hồi sức cấp cứu sơ sinh, phẫu thuật TOT, TVT…
Ngoài các bệnh viện công lập, toàn tỉnh có 8 Trung tâm Y tế (TTYT) huyện, thành phố được UBND tỉnh giao triển khai phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên. Một số đơn vị thực hiện liên kết theo hình thức: bên liên kết đặt máy móc, trang thiết bị tại TTYT phục vụ công tác KCB BHYT; số tiền thu được từ hoạt động dịch vụ này trừ chi phí trực tiếp và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, số còn lại phân chia theo tỷ lệ xây dựng trong đề án bổ sung nguồn kinh phí hoạt động. Việc liên kết này giúp các đơn vị y tế ở địa phương khắc phục khó khăn về cơ sở thiết bị máy móc, người bệnh được KCB BHYT bằng các thiết bị, máy móc hiện đại tại chỗ đảm bảo nâng cao chất lượng khám và điều trị, giảm bệnh nhân chuyển tuyến do yêu cầu thiết bị...
Đồng chí Giám đốc Sở Y tế Trần Trung Kiên cho biết: Nhằm phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 7/2/2024 về thực hiện Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 14/12/2023 của Ban TVTU thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, xóm có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số. Trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả. Trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân.
Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chủ động mua sắm, bổ sung đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung chưa lựa chọn được nhà thầu trúng thầu; hướng dẫn các đơn vị trong việc thực hiện mua sắm thuốc; chỉ đạo các đơn vị chủ động đảm bảo cung ứng thuốc và xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc hàng năm; đồng thời tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc do các đơn vị tự thực hiện đúng quy định của pháp luật. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 47/2024/NQ-HĐND, theo đó các cơ sở y tế công lập căn cứ vào thẩm quyền được quy định, chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm, chủ động tổ chức đấu thầu thuốc tại đơn vị để đảm bảo nhu cầu KCB của đơn vị. Đến ngày 1/3/2025, không có đơn vị KCB BHYT công lập nào còn thiếu thuốc; các đơn vị đã xây dựng và tổ chức đấu thầu được 65 gói thầu và nhà thầu đang tiến hành cung ứng vật tư cho các đơn vị theo đúng hợp đồng đã ký. Mua sắm chỉ định thầu rút gọn quy mô dưới 100 triệu đồng để mua sắm các vật tư phục vụ cấp cứu và liên quan cấp cứu.
Đồng chí Vũ Việt Dưỡng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) cho biết: Thông tư 01/2025/TT-BYT (Thông tư) có một số điểm mới: Ban hành danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng theo phạm vi, quyền lợi người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu, không phải có phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó bao gồm danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được KCB tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Thông tư quy định trường hợp lưu trú và thủ tục KCB BHYT khi thay đổi nơi lưu trú, tạm trú nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ hè, người lao động trong thời gian nghỉ phép tại gia đình. Quy định về đăng ký KCB BHYT ban đầu chủ yếu ở cấp KCB ban đầu, một phần ở cấp cơ bản, hạn chế đăng ký ở cấp chuyên sâu góp phần tăng cường KCB BHYT ở tuyến y tế cơ sở. Quy định chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT theo hướng thuận tiện hơn cho người bệnh và cải cách thủ tục, dễ áp dụng. Quy định tiêu chí phân bổ thẻ BHYT cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch và trách nhiệm của Sở Y tế, cơ quan BHXH trong việc phân bổ và công khai số thẻ BHYT đã phân bổ cho cơ sở KCB BHYT ban đầu để thuận lợi cho việc đăng ký và chất lượng KCB BHYT ban đầu của người dân cũng như công tác điều phối, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.
Theo Báo Nam Định
Hướng dẫn thay đổi thông tin trên ứng dụng VSSID
10 sự kiện nổi bật của Ngành BHXH năm 2024
Nâng cao vai trò Ban chỉ đạo thực hiện chính sách ...
Phát triển BHYT tại Nghĩa Hưng - CM tháng 6.2024